Bản thân anh là người của The Voice, nhưng hy vọng, anh dám thật thà với chính suy nghĩ của mình về lùm xùm giữa Mr Đàm, Hà Hồ và Thanh Lam?
Từ trước tới giờ tôi đâu có sợ phải nói ra quan điểm của mình, nhưng ý bạn hỏi là về vấn đề gì? Nếu chỉ là nhìn chung sự việc, thực ra nó đang bị thổi phồng lên quá mức cần thiết.
MC Phan Anh
Nhưng, anh thấy không, lỗi cũng từ người trong cuộc. Nhiều người cho rằng, cái quá mức cần thiết ấy là do phản ứng của Hà Hồ và Mr Đàm. Anh thấy, Thanh Lam chê như thế, có cần thiết Hà Hồ vỗ mông con và Mr Đàm tuyên bố không nhìn mặt?
Tôi đã nghe nhiều ý kiến giống của chị Thanh Lam chứ đây không phải là lần đầu tiên. Tuy nhiên, dưới góc độ của mình, tôi chỉ mỉm cười và nếu vui vẻ, có thời gian, tôi sẽ ngồi giải thích một chút để họ hiểu rõ format, bản chất của chương trình, cũng như vai trò của Huấn luyện viên.
Nói ngắn gọn thì có rất nhiều nhà cầm quân giỏi trong nhiều lĩnh vực nhưng kỹ năng của họ không hẳn là xuất sắc nhất. Thực tế đã có quá nhiều ví dụ như vậy. Nhận xét cho khách quan và xác đáng về vai trò của Đàm Vĩnh Hưng, hay Hồ Ngọc Hà, trước tiên phải đặt vào bối cảnh của chương trình này đã.
Kết quả thế nào, tôi cho rằng thời gian sẽ là câu trả lời hay hơn cả. Riêng về bản thân mình, tôi thấy khâm phục cả bốn vị huấn luyện viên này với những gì họ làm được cho thí sinh.
Còn chuyện phản ứng ngược lại, nếu đúng như những gì báo chí đưa tin, tôi nghĩ nó cũng chỉ phản ánh nhất thời cảm xúc của người nghệ sỹ thôi. Câu chuyện lời qua tiếng lại bao giờ cũng dễ bị nhiễu sóng như vậy. Đối với tôi, cách tốt nhất bao giờ cũng là nên đối thoại trực tiếp với nhau.
Thực tế, anh có thấy Thanh Lam nói đúng phần nào không?
Nếu đây là một cuộc thi như kiểu Sao Mai thì tôi nghĩ sẽ không có nhiều ý kiến trái chiều với chị Lam như vậy. Nhưng Giọng hát Việt có một format hoàn toàn khác. Và khác ở điểm gì, sau mỗi chặng khán giả sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn.
Hơn nữa, bên cạnh các huấn luận viên còn có các chuyên gia thanh nhạc đúng không?
Đúng như vậy! Mỗi huấn luyện viên được hỗ trợ bởi cả một ê kip, không chỉ là giảng viên thanh nhạc, mà còn cả chuyên viên trang điểm, thiết kế trang phục, vũ sư.. Thậm chí, ngay cả các thí sinh cũng không ai cấm họ dành thời gian riêng để xin chỉ giáo của những người mà mình tin tưởng.
Nếu thí sinh nào đó quen thân với chị Thanh Lam chẳng hạn cũng có thể nhờ trợ giúp. Nhưng đó là những chuyện ngoài lề.
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng và Hà Hồ khiến nhiều người cho là thiếu khôn ngoan, và showbiz thành 1 cái chợ. Có người bảo, cứ im lặng và hành động là cách đáp trả tốt nhất. Có người nói, im lặng là hèn. Trong trường hợp này, theo anh im lặng có hèn không?
Ngày trước "Im lặng là vàng" có vẻ là câu thông dụng, nhưng rồi giờ nhiều người hay suy diễn im lặng là... hèn cũng có cái lý. Tất cả là do góc nhìn mà thôi, và chỉ có người trong cuộc mới hiểu là tại sao.
Tôi không ở trong hoàn cảnh của Hà hay của anh Hưng để mà đánh giá, tuy nhiên, khi nhìn thấy sự việc đang bị thổi phồng không cần thiết như thế này, chắc chắn tôi sẽ chọn giải pháp im lặng. Nếu bị ai đó chê hèn cũng mặc.
Đặc biệt là cũng không vỗ mặt người đã từng là thần tượng của mình đúng không?
Chúng ta cũng chỉ là người ngoài cuộc thôi và đang bình luận quá đà để làm khổ người trong cuộc. Biết đâu, đã có những cuộc điện thoại với nhau, đã có những lời xin lỗi, chia sẻ và mọi người đều cười xòa, hiểu nhau hơn.
Với lại bản thân chữ nghĩa không phản ánh được hết những tình cảm của người nói. Đôi khi một câu nghe chừng rất châm biếm, rất chê bai được phát ngôn bằng một giọng bông đùa, hài hước, lại khiến nhiều người vô cùng thoải mái.
Còn công chúng, họ chứng kiến những điều như thế này, anh nghĩ có đáng?
Mong bạn thông cảm nhé, nhưng tôi muốn hỏi bạn thế này: ai có thể làm công chúng không cần phải chứng kiến những điều thế này? Nhiều người đang có những đòi hỏi phi lý, nếu có nhu cầu tìm hiểu tất tần tật về một nghệ sỹ hãy chấp nhận rằng trong đó có cả những điều không đáng!
Sự việc cho đến thời điểm này là do cả nghệ sỹ - báo chí - công chúng hợp thành, ai cũng có thể rút ra cho mình những kinh nghiệm. Và đặc biệt, ở góc độ của một người được công chúng biết đến, tôi nghĩ sẽ có nhiều nghệ sỹ nghiêm túc học được bài học của mình. Song tôi cũng e rằng, một bộ phận nào đó sẽ lấy đấy làm một chiêu trò để mình được mọi người chú ý.
Quay lại chương trình, là người từng làm truyền hình, người ta nói, The Voice diễn, dàn xếp. Anh nói gì về điều này?
Với những ai đa nghi thì họ có quyền nghi ngờ mọi việc, và cũng có quyền nói ra nghi ngờ của mình. Tuy nhiên, hãy chỉ phán xét khi có đầy đủ bằng chứng. Là người trong cuộc, tôi sẽ chia sẻ rất thành thật như thế này, đây là một chương trình truyền hình thực tế, nhưng cũng chẳng ai cấm được những nhân vật xuất hiện trong đó diễn.
Có điều, diễn thì cũng phải diễn cho tốt, bởi vì người chấm điểm chẳng ai khác chính là khán giả. Khán giả cũng chẳng cần phải lo sợ rằng mình bị qua mặt bởi ai đó diễn xuất tài quá. Chẳng ai diễn được cả đời. Và nếu điều đó có xảy ra chăng nữa, thì hãy mỉm cười, tự hỏi liệu nó có quan trọng với cuộc sống của mình đến thế không?
Nếu coi như đây là một chương trình giải trí, thì hãy cứ thoải mái mà xem nó như một chương trình giải trí, rồi quên cũng không sao mà.
Còn chuyện người ta đồn, giọng hát các thí sinh được xử lý qua công nghệ phòng thu ở vòng thi Giấu mặt thì sao?
Tôi không đủ thẩm quyền để trả lời chính xác câu hỏi này nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ đây là một tin đồn hoàn toàn ác ý.
Nếu lựa chọn các trang xã hội để kiểm chứng, có thể đọc được các ý kiến ngợi khen dành cho thí sinh của hàng ngàn người đi xem trực tiếp, trong đó có những người nổi tiếng, có uy tín. Chính bản thân tôi, thậm chí còn than phiền là khi xem trên truyền hình, do đường truyền, kỹ thuật sang băng nên chất lượng giảm đi chỉ còn được khoảng 70%.
Có lẽ tôi cũng chỉ biết nói đến vậy thôi, chứ quả thật, tôi đang cảm thấy rất nực cười. Dù tôi không có ý mỉa mai những người đã tuyên truyền tin đồn đó.
Theo anh, lý do các thí sinh chọn hát nhiều ca khúc tiếng Anh ở cuộc thi này là gì?
Chỉ vì đơn giản họ thấy phù hợp với chất giọng và cảm xúc của mình, qua đó họ có thể thuyết phục ít nhất một huấn luyện viên quay lại. Tất nhiên, đấy là tôi nghĩ thế sau khi trò chuyện với một số người. Chứ câu này, đáng nhẽ phải hỏi từng thí sinh mới đúng.
Anh nghĩ, với chất lượng thí sinh như The Voice, nếu không phải do hiệu ứng truyền thông hay công nghệ lăng xê, chiêu trò có thể trở thành 1 hiện tượng âm nhạc có chất và đi đc đường dài nữa?
Hiệu ứng truyền thông không hề xấu, và ở thời đại này chẳng ai có thể thành danh, thành hiện tượng mà lại thiếu nó được cả. Diva, divo thì cũng phải cần, vậy nên thí sinh Giọng hát Việt cũng rất cần.
Công nghệ lăng xê, chiêu trò, không thể giúp một người bình thường trở nên chất và đi đường dài. Dù những người thực hiện nó có giỏi đến đâu, muốn đạt được mục đích ấy cũng cần phải có những tài năng. Tôi nghĩ các thí sinh vào đến vòng Đối đầu đều có điều ấy.