Những tập tục như ngủ ngồi, đẻ ngồi, người chết ở trần, đóng khố không có áo quan... vẫn đang tồn tại ở tộc người Đan Lai giữa vùng Vườn quốc gia Pù Mát.
Cả tộc người Đan Lai sinh sống chủ yếu bằng hái lượm giống như thời hồng hoang nguyên sơ của loài người nên họ đã duy trì nhiều tập tục xa lạ với các dân tộc khác. Khi chết người Đan Lai không được mặc quần áo, chỉ đóng khố, không dùng hòm vỏ để chôn cất. Việc ngủ ngồi, con cháu trong cùng dòng họ lấy nhau, sinh con đẻ cái là chuyện quá bình thường...
Tám đứa trẻ của 1 gia đình người Đan Lai.
Ông Thám kể câu chuyện về người bác ruột tên là La Văn Khằm. Năm 1960, khi đang làm cán bộ HĐND huyện Con Cuông, ngày nghỉ ông Khằm về thăm gia đình và bị ngã bệnh qua đời đột ngột. Dịp đó, lãnh đạo huyện đưa hòm gỗ về bản để làm thủ tục khâm liệm cho người quá cố nhưng từ người nhà đến già làng, dân bản đều nhất quyết cự tuyệt. Họ quan niệm rằng, chôn cất ông Khằm bằng hòm gỗ là sai lệ làng và khi xuống cõi âm người chết sẽ không được tổ tiên chấp nhận.
Trước sức ép của chính quyền, ông Khằm đã được nhập quan nhưng khi chôn cất xong, cán bộ huyện vừa ra khỏi bản thì dân bản đào huyệt đưa lên xác ông Khằm lên để làm thủ tục chôn trần theo phong tục truyền thống ở đây.
Phụ nữ Đan Lai mới 13 - 14 tuổi đầu đã lấy chồng. Một mình vào rừng “vượt cạn” đẻ ngồi trong cái chòi dựng tạm giữa rừng. Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, dù là nắng hay mưa, dù cho rét căm căm đến ghê người vẫn được mẹ đem xuống suối để tắm 3 lần. Đến khi da dẻ bị tím tái, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà nuôi.
Những đứa trẻ Đan Lai đứa nào cũng có đôi mắt rất đẹp, xanh trong như dòng nước sông Giăng nhưng hễ gặp người lạ là chúng đều cúi gằm mặt xuống. Dường như sự mặc cảm về thân phận của cả tộc người đã ăn sâu trong tâm hồn của bọn trẻ chốn thâm sơn cùng cốc này.
Tộc người Đan Lai có tập tục lạ lùng là không bao giờ ngủ nằm. Tục ngủ ngồi ăn sâu vào máu thịt từ người già đến trẻ con và trở thành thói quen của tất cả mọi người.
Già làng La Văn Quyết giải thích, tục ngủ ngồi xuất phát từ việc phải thường trực ý thức trốn chạy thật nhanh nếu bị quan quân chế độ phong kiến vây bắt. Đó cũng là cách để giúp họ hàng ngày chống chọi với muông thú hoang dã đang rình rập. "Nhờ tục ngủ ngồi mà người Đan Lai tồn tại được đến ngày hôm nay đấy", già Quyết nói.
Từ hơn 300 trăm năm nay tộc người Đan Lai luôn sống trong cảnh không có nhà, chỉ lấy cành cây dựng tạm thành cái lều ở tạm cho đén khi hỏng thì mới làm lại. Mỗi khi màn đêm buông xuống, trong túp lều tạm bợ ấy, cả gia đình họ chỉ dám ngồi quây quần bên đống lửa để canh chừng thú dữ tấn công.
Tục ngủ ngồi của người Đan Lai.
Lâu dần thành thói quen, ngồi thâu đêm như vậy ai cũng mệt nhoài, chỉ dám tranh thủ chợp mắt để phòng khi có thú đến còn có đà chạy vào rừng sâu lẩn trốn. Cho đến tận bây giờ, ngủ ngồi đã thành một tập tục của tộc người Đan Lai. Trẻ con lớn lên chỉ cần biết ngồi vững là đã phải học cách ngủ ngồi!
Người Đan Lai không chỉ ngủ ngồi quanh bếp lửa, tộc người này còn có thể ngủ trên cây mỗi khi đi săn bắt, hái lượm không kịp về bản. Theo già Quyết, cứ mỗi chuyến đi săn ít nhất cũng tới vài ngày. Những lúc như vậy những người đi săn thường phải trèo lên cây cao để ngủ nhằm tránh thú dữ. Chỉ cần vài ba đoạn cây buộc vào nhau làm điểm tựa là họ ngủ ngồi suốt đêm trên cây.
“Tục ngủ ngồi đã được truyền qua bao đời nay nên người dân trong bản không có thói quen nằm giường. Cả bản Cò Phạt có hơn 70 nóc nhà, nhưng chẳng nhà nào mua sắm giường chiếu. Mới đây, do được tuyên truyền vận động, cũng có nhà trong bản sắm giường, nhưng khi ngả lưng nằm lại thấy rất khó chịu, đau lưng nên đã quay sang ngủ ngồi”, già Quyết nói.