Ở một số nơi, người dân sử dụng bạo lực trong việc chống trộm chó đã lên đến mức tột đỉnh, nhưng nạn trộm chó vẫn diễn ra.
Có chút thay đổi là người đi trộm giờ đây đã tỏ ra liều chết với người truy đuổi, không để bị bắt.
Công an TP Vinh xử lý hậu quả vụ một người trộm chó bị dân đốt xe máy và đánh trọng thương ngày 23-10 - Ảnh: V.Toàn |
Cực điểm của bạo lực
Bản tin 162 chữ trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-10 về việc một người bị một đối tượng trộm chó bắn chết đã làm nhiều người kinh sợ. Vị cán bộ văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cũng như nhiều công dân khác bắt đầu ngày mới bằng việc cột thú cưng ở thân cây trước cửa rồi vệ sinh sân nhà. Khi nghe thú cưng kêu lên, anh chạy ra đuổi theo, được một đoạn thì bị đối tượng này nổ súng bắn chết.
Tin này là sự tiếp nối của nhiều tin tức trước đó trên báo chí, còn kinh hoàng hơn. Ngày 12-10, tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, gia chủ và hàng xóm đã truy đuổi nhóm trộm chó gồm ba người, một người tên Hiếu bị bắt lại và chịu trận đòn của đám đông. Cảnh sát 113 với hơn 20 cán bộ chiến sĩ đã đến nơi nhưng đám đông vẫn không buông tha, họ dựng xe máy chắn tất cả lối đi và lối thoát, dùng hàng rào người để ngăn không cho chở nạn nhân đi cấp cứu. Và người trộm chó đã chết dần dần trước sự thờ ơ, thậm chí thỏa mãn của hàng trăm con người, trong lúc các bác sĩ có mặt vẫn cố gắng thuyết phục đám đông trong sự bất lực.
Vẫn chưa đủ chỗ cho sự tàn nhẫn, khi người nhà Hiếu đến nhận thi thể, đám đông ra giá 20 triệu đồng, coi như là tiền đền bù thương tích mà một người đã bị trong quá trình truy đuổi nhóm trộm chó. Gia đình người trộm chó phải viết giấy cam kết thế chấp chiếc xe máy mới được mang thi thể Hiếu về mai táng.
Lý giải cho sự tàn nhẫn này, có người cho rằng làm như vậy những người trộm chó mới sợ mà chùn tay. Nhưng họ vẫn không sợ, bằng chứng là chỉ mươi ngày sau đó các đối tượng trộm chó đã nâng cấp bằng vũ khí nóng và sẵn sàng nã đạn bắn thẳng vào người truy đuổi.
Không chỉ sửa luật
Tiếp cận với một số điểm thu mua chó chúng tôi được biết mỗi ký chó hơi có giá trên dưới 100.000 đồng. Mỗi con chó cỏ (chó ta) khoảng 15kg, chó berger trên 25kg, nhóm trộm chó 2-3 người chỉ cần bắt được vài con chó sẽ thu được 7-10 triệu đồng/ngày. Với hành vi không bị bắt nguội, còn khi bắt quả tang cũng chỉ bị xử lý hành chính hoặc có tù tội cũng chỉ ở mức án có thể... chấp nhận được, nạn trộm chó ngày càng hoành hành là điều có thể hiểu được. Phía ngược lại, trong nỗ lực bất lực để chống nạn trộm chó, nhiều người dân hiền lành, lương thiện đã phải vào vòng lao lý.
Theo các vị luật sư, nạn trộm chó sở dĩ không ngăn chặn được là do bản án không làm tội phạm chùn tay. Do định tội, định khung ở tội trộm mà định lượng tài sản thấp, hành vi trộm chó không thể xử ở mức án cao như mong muốn của số đông. Trên thực tế, đối tượng trộm chó thường nhận mức án từ 6 tháng đến 3 năm.
Nhưng không chỉ có những vấn đề về pháp lý cần phải điều chỉnh, còn có những vấn đề về kinh tế - xã hội có thể thực hiện để ngăn chặn vấn nạn trên.
Hàng quán bán thịt cầy quá nhiều nhưng rất thiếu nguồn cung từ chăn nuôi, người nuôi thú cưng cũng hiếm hoi bán chó thịt, vì vậy chỉ có nguồn cung cấp nhiều nhất là trộm chó. Đã hình thành một đường dây từ việc trộm chó đến thu mua, phân phối cho thị trường gần và cả những thị trường xa khi thị trường biến động, nhưng mặt hàng trộm cắp này được luân chuyển công khai mà không bị kiểm soát như gia cầm, thủy cầm hoặc thịt heo.
Do đó cần phải đưa thịt chó vào diện thực phẩm có kiểm soát, thịt chó (hơi hoặc móc hàm) đều phải có nguồn gốc chăn nuôi, kiểm dịch. Khi “đầu ra” không còn dễ dàng thì những người trộm chó mới chùn tay.
Theo tuoitre.vn