Sáng 29/10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn các tỉnh miền Bắc vẫn đang tích cực tìm kiếm người mất tích trong bão Sơn Tinh. Hai máy bay trực thăng được điều động khẩn cấp xuống Hải Phòng tiếp cận giàn khoan bị trôi dạt trên biển.
Nhiều người mất tích trên biển
Sau khi quét dọc bờ biển Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình suốt đêm qua, sáng nay bão Sơn Tinh đã nhanh chóng suy yếu và tan nhanh ở ven biển Quảng Ninh. Tại huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) có 11 người bị sóng biển cuốn trôi. Lực lượng cứu hộ cứu được 7 người và vớt được một thi thể phụ nữ. Ba người khác còn mất tích. Trước đó, trưa 28/10, tại Quảng Ngãi 3 người đã tử nạn do bị lật ghe.
Cảnh ngổn ngang trên đường phố Nam Định sáng 29/10. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài ra tại huyện Cái Hải, một tàu du lịch, 2 tàu đánh cá, một tàu dịch vụ và 15 thuyền nan bị đắm, 26 lồng bè nuôi hải sản bị hư hỏng. Sóng lớn cũng làm sạt 3km đê biển ở Cát Hải, nhiều điểm kè chắn sóng bị hư hại; 100 nhà bị tốc mái, 2 trường học và 30 kho muối của dân bị hư hại.
Tại vịnh Cát Bà, tối qua một tàu chở quặng neo tại vịnh bị sóng đánh chìm với 5 người trên cabin tàu thì 4 người đã được cứu vớt, một còn mất tích.
Sáng nay, lực lượng biên phòng của đồn Cát Bà và của ban chỉ huy quân sự đã cứu vớt được 6 bè với 16 người ở trên an toàn. Các bè này bị đứt dât neo trôi dạt ra cửa vịnh Cát Bà vào 19h 28/10.
Tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) một trong hai người mất tích đã tìm được thi thể. Hai tàu du lịch tại phường Cái Dăm (Hạ Long) bị cuốn trôi; một thuyền vỏ xi măng tại Cẩm Phả bị vỡ; cột thu phát sóng của đài Truyền thanh truyền hình thị xã Quảng Yên bị gãy...
Sóng biển đánh sập hoàn toàn đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với đảo Hòn La
Trong khi đó, tại 3 tỉnh chịu tàn phá nặng nề nhất của bão là Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, công tác thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả gặp rất nhiều trở ngại. Điện lưới ở nhiều khu vực chưa được khôi phục. Hàng trăm ngôi nhà vùng ven biển bị tốc mái, đổ sập nhiều, cây cối gãy đổ khắp nơi...
Ở Thái Bình, tối 28/10, tại cửa biển Trà Lý tàu vận tải số hiệu NĐ 2546 với 10 lao động chở than neo ở cửa sông bị đứt neo, mất liên lạc.Chiều nay, bão thành áp thấp
Theo Trung tâm DBKTTV TW, hồi 4 giờ sáng nay (29/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực ven biển các tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Móng Cái (Quảng Ninh). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 30/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 100 – 200mm; một số nơi có mưa lớn hơn như thành phố Thái Bình 400mm; Văn Lý (Nam Định) 330mm; Phủ Liễn (Hải Phòng) 297mm; Cửa Ông (Quảng Ninh) 222mm; đảo Cô Tô 262mm…
Tháp truyền hình cao 180 mét ở TP Nam Định đổ sập vì bão. Ảnh: Trọng Nghiệp.
17h30, tại tuyến đê biển của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (giáp ranh Ninh Bình), gió mạnh cấp 11. Trực tiếp chống bão ở đây, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, nhiều cây cối ven đê gãy đổ do gió bão, sóng cao.
Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), gió bão khiến cây cối đổ rạp, nhiều lán hàng bị tốc mái. Người dân không thể chạy xe máy ngoài đường mà phải dắt bộ.
Dù nằm cách xa tâm bão, song tối 28/10, Hà Nội đã có gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6 khiến cây cối ngã rạp. Trên nhiều tuyến đường cửa ngõ của thủ đô như Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến... nhiều xe máy di chuyển khó khăn, thậm chí phải dừng lại, dắt bộ vì gió lớn. Nhiều biển quảng cáo, cây xanh, phông bạt... ven các vỉa hè bị rách nát rồi đổ sụp xuống đường.
Trong hai ngày tới, tổng lượng mưa ở thủ đô có thể đạt xấp xỉ 120 mm.
Trong khi đó, tại huyện Hậu Lộc (giáp Ninh Bình), tuy mưa giảm nhưng gió bão vẫn mạnh cấp 7-8. Một số chòi, lán bán hàng ven đê của người dân bị tốc mái. Tại xã Ngư Lộc, điện lưới đột ngột mất khiến hàng nghìn hộ dân chìm trong bóng tối.
18h15, mưa lớn trải khắp một dải các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình). Do nước triều ở mức thấp nên mưa đến đâu, nước tiêu đến đấy
Gió bão mạnh cũng lan khắp vùng biển Ninh Bình, Nam Định. Người dân không dám ra đường vì gió giật mạnh, không thể đứng vững. Tại nhiều xã ven biển điện lưới mất trên diện rộng.
Bão quật đổ cây xanh trên đường Phan Bội Châu (TP Hải Phòng). Ảnh: Xuân Thọ.
19h15, bão Sơn Tinh vẫn càn quét suốt dọc bờ biển phía bắc Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Mưa nặng hạt kèm gió giật mạnh trải khắp vùng. Trong đó, ven biển Nam Định chịu ảnh hưởng nặng nhất với gió mạnh cấp 11-12.
Sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại huyện Nga Sơn - nơi được dự báo sẽ "đón" tâm bão - để chỉ đạo công tác đối phó với cơn bão mạnh.
Trực tiếp chống bão ở huyện ven biển Giao Thủy, ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định cho hay, "bão Sơn Tinh mạnh nhất từ 2005 tới nay". Dù tâm bão chưa cập bờ, song, trong đê biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã có gió mạnh tới cấp 11. Nhiều huyện sâu trong nội địa, thậm chí cả thành phố Nam Định gió mạnh tới cấp 10, mưa lớn.
"Mưa gió quần thảo suốt hơn hai giờ chưa dứt, cây cối đổ ngổn ngang khắp nơi", ông Thủy cho hay. Theo ông Thủy, ảnh hưởng của bão để lại cho Nam Định là rất ghê gớm. Toàn bộ tỉnh đã bị mất điện, ngay cả văn phòng Ban chỉ huy PCLB đặt tại thành phố Nam Định cũng phải chạy máy phát. Mưa gió và cây đổ cũng ngăn cản các lực lượng chống bão đi kiểm tra các khu vực xung yếu.
Ngư dân ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đưa máy nổ của xuồng máy vào bờ. Ảnh: Lê Hoàng.
Gió bão đã giật đổ tháp truyền hình cao 180m ở thành phố Nam Định. Xác nhận thông tin này với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cho hay, đây là thiệt hại rất nặng nề. Cột tháp trị giá hàng chục tỷ đồng vừa đi vào hoạt động từ 2010 là tháp truyền hình cao nhất và hiện đại nhất ở miền Bắc.
Đây là hạng mục chính trong dự án xây dựng trung tâm phát thanh, truyền hình cấp vùng tại thành phố Nam Định theo quyết định số 109 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tháp được lắp dựng trong 7 tháng bằng hệ thống khung thép do Malaysia sản xuất, Công ty TNHH một thành viên công trình Viettel đảm nhận thi công.
Tại Hải Phòng, Quảng Ninh, gió bão đã giật tung hàng trăm cây xanh, mái nhà. Nhiều khu vực tại nội thành Hải Phòng đã bị cắt điện.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho hay, đêm 28/10 và sáng 29/10, bão di chuyển chủ yếu theo hướng bắc với tốc độ 10 km mỗi giờ. Đến 7h sáng 29/10, tâm bão trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình với cường độ giảm còn cấp 8-9, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 9. Ảnh hưởng của bão số Sơn Tinh, các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ mưa lớn 50-100mm; một số nơi như Văn Lý (Nam Định) 160mm; đảo Bạch Long Vĩ 135mm…
Ngoài thiệt hại về hoa màu, nhà cửa, tài sản... bão Sơn Tinh đã làm ít nhất 3 người chết tại Quảng Ngãi.
Sóng phá khối bê tông 25 tấn
Chiều tối 28/10, thông tin từ ông Phạm Văn Năm, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, cho biết vào 8g sáng cùng ngày, do bão số 8 ảnh hưởng gây từng đợt sóng rất cao và mạnh ập vào bờ đã đánh sập hoàn toàn 330m đường đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La, thuộc Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Lực đập quá mạnh của sóng biển từ phía Đông dồn vào đã xé nát cả đoạn đê mà trước đó được xây dựng bằng đá, đắp thẳng dài 330m, rộng 9m và được chắn bằng những khối bê tông tản sóng nặng 25 và 16 tấn.
Đê thẳng dài đã bị sóng hất dạt thành một đường vòng cung lõm lên hướng Tây, nơi đê bị đẩy đi xa nhất là hơn 50m.
Đoạn đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La thuộc gói thầu số 2 của dự án đường nối Khu kinh tế Hòn La với Khu công nghiệp xi măng Văn Tiến, thuộc xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), do Tập đoàn Trường Thịnh (Quảng Bình) thi công.
Trước bão, đê cũng đã được gia cố thêm bằng nhiều khối bê tông tản sóng và các rọ đá… nhưng rồi vẫn bị đánh sập. Ước thiệt hại ban đầu của việc hư hỏng đê chắn sóng này khoảng 30 tỷ đồng.
Bão Sơn Tinh mạnh cấp 11-12 hoành hành suốt nhiều giờ ven biển các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Ảnh: NCHMF.Thông tin thêm: vào khoảng 11h ngày 28/10, trên QL 1A đoạn qua xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ghi nhận ban đầu ít nhất có 3 người chết và hàng chục hành khách bị thương còn con số thương vong cụ thể thì vẫn chưa được xác định được.