.

Chuyện tình của cô gái mang 'mặt quỷ'


Những ngày đầu Nguyên lạc lõng ở một nơi xa lạ, có một chàng trai luôn quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần cô. Đó là Hoàng Nhật Tân, một chàng trai sinh năm 1980 đến từ Đà Lạt.

Dưới tán rừng Vĩnh Cửu (Đồng Nai), mái ấm Hoàng Tử Bé đã dệt nên chuyện tình như cổ tích giữa hai cuộc đời bất hạnh. Cô gái trẻ Bùi Thị Nguyên những tưởng sẽ không còn tìm được hạnh phúc khi mang gương mặt "ai nhìn cũng phải e dè" sau một lần bị bỏng.

Nhưng phép nhiệm màu đã đến không phải như cô bé lọ lem tìm được hoàng tử, không phải như nàng công chúa xinh đẹp ngủ trong rừng chờ một nụ hôn mà bằng chính tình yêu thương, đồng cảm vô bờ họ dành cho nhau.

Phận đời đong đầy nước mắt

Bùi Thị Nguyên đón tôi với chiếc nón che gần hết khuôn mặt, một tay dắt cậu con trai thứ hai được hơn một tuổi, mũm mĩm đến nỗi mọi người thường gọi yêu là "chim cánh cụt". Ngồi trước mặt tôi là cô gái còn rất trẻ với nụ cười tươi như hoa.


Nụ cười hạnh phúc của chị Nguyên và anh Tân trong ngày cưới.

Bằng giọng nhẹ nhàng, Nguyên kể lại câu chuyện bất hạnh của đời mình. Sinh năm 1985, tại Tân Cương, Thái Nguyên, lúc 5 tuổi, trong một lần bất cẩn, Nguyên bị ngã sấp mặt vào đống củi lửa trong bếp. Ngọn lửa đã khiến khuôn mặt bị phỏng nặng, biến dạng hoàn toàn.

Sau rất nhiều cuộc phẫu thuật, nhiều lần lấy da ở những phần khác trên cơ thể đắp vào, khuôn mặt của Nguyên mới được phục hồi với một bên mắt bị hỏng, đoạn xương sọ trên trán bảo vệ não không còn và một bàn tay bị hoại tử gần hết. Cha mẹ cô đã phải bán cả nhà cửa, tài sản để lo chi trả cho hàng chục cuộc phẫu thuật và nhiều tháng nằm viện tại Hà Nội của Nguyên.

Nỗi đau cắt da cắt thịt về thể xác rồi cũng qua đi nhưng cô gái nhỏ phải đối diện với một nỗi đau tinh thần quá lớn. Khuôn mặt xinh đẹp, đáng yêu ngày nào không còn nữa. Thay vào đó là gương mặt bị biến dạng với phần não trên trán trồi ra ngoài, cặp mắt, chiếc mũi và cái miệng đều méo xệch. Gương mặt cô đến cô còn không dám nhìn, nói chi đến người khác.

Sau khi rời bệnh viện về nhà, Nguyên đã khóc rất nhiều vì tủi cho thân phận mình. Khóc đến nỗi một bên mắt bị lở loét, trôi mất kẽ da đắp trên vòm mi.

Vượt lên trên tất cả những điều đó, Bùi Thị Nguyên vẫn là một cô gái rất giàu nghị lực. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Nguyên đăng ký dự thi đại học vào ngành thư viện, một ngành học mà Nguyên cho rằng không đòi hỏi nhiều về ngoại hình và sức khỏe. Tuy nhiên, hồ sơ của cô không được chấp nhận vì lý do Nguyên không đạt yêu cầu về sức khỏe.

Nhưng thật may mắn, qua một người bạn, Nguyên biết đến mái ấm Hoàng Tử Bé ở xã Vĩnh Tân, Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, nơi cưu mang những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, trong lòng Nguyên luôn có mong muốn tìm đến mái ấm này, nơi có những người cùng chung cảnh ngộ như mình. Khi Nguyên nói ra mong muốn của mình, bố mẹ cô không đồng ý vì không muốn cô phải đi xa đến vậy. Nhưng lòng cô đã quyết.

Sau khi liên lạc với bà Đặng Ngọc Nga, chủ mái ấm Hoàng Tử Bé và được bà chấp nhận, cuối năm 2005, hai mẹ con Nguyên khăn gói vào Nam... "Mẹ đưa em vào, chỉ ở đây đúng một ngày rồi vội vã trở ra Bắc. Cũng vì mẹ thương em quá, không muốn ngày ngày chứng kiến cảnh con gái mình sẽ lặng lẽ chôn vùi cuộc đời ở nơi này" - Nguyên ngậm ngùi kể lại. Nhưng mẹ Nguyên và ngay cả Nguyên cũng không ngờ rằng, quyết định rời khỏi ngôi nhà thân yêu, đến với mái ấm này là một sự đền bù mà cuộc đời dành cho Nguyên. Ở nơi đây, cô đã tìm được một "hoàng tử" của đời mình.


Chị Nguyên với nụ cười luôn nở trên môi.

Hạnh phúc không tật nguyền

Những ngày đầu sống ở mái ấm, tâm trạng Nguyên vẫn rất xáo trộn. Phải sống xa nhà, nhìn đâu cũng thấy những mảnh đời bất hạnh như mình, ngoài bức tường rào kia là cuộc sống hối hả của những gương mặt rạng rỡ, đẹp đẽ, lòng Nguyên vẫn còn buồn tủi. Thời gian trôi qua, tình yêu thương của mẹ Nga cùng những người bạn sống chung đã khiến Nguyên dần nguôi ngoai nỗi đau. Cô bắt đầu tập ca hát, may vá, học một số kỹ năng cơ bản để chăm sóc những người tàn tật không có khả năng tự chăm sóc bản thân.

Ngay những ngày đầu Nguyên lạc lõng ở một nơi xa lạ, có một chàng trai luôn quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần. Đó là Hoàng Nhật Tân, một chàng trai sinh năm 1980 đến từ Đà Lạt, Lâm Đồng. Theo thời gian, tình cảm của họ chuyển từ tình bạn sang tình yêu với lòng cảm thông và đồng cảm sâu sắc giữa hai người cùng chung cảnh ngộ. Nhận thấy tình cảm mà đôi trẻ dành cho nhau, bà Ngọc Nga đã là người se duyên và đứng ra tổ chức đám cưới cho họ vào năm 2006.

Hôm chúng tôi đến, Nhật Tân không có ở nhà. Nguyên cho biết anh đang đi học thêm ở TP.HCM, tối mới về. Nhắc đến chồng, đôi mắt Nguyên ánh lên một niềm hạnh phúc khó tả. Rồi Nguyên kể cho chúng tôi nghe chuyện đời của chồng mình. Năm lên 4 tuổi, do sơ ý nên người chị gái đã để đổ cây đèn dầu đang thắp lên mùng. Chiếc mùng bùng cháy trong khi Tân vẫn còn đang say ngủ. Lửa và lớp vải mùng bám chặt vào da đầu khiến Tân bị phỏng nặng, ăn sâu đến sọ não. "Hiện giờ, phần não của anh Tân không có hộp sọ bảo vệ, chỉ có lớp sẹo dày phủ bên trên" - Nguyên cho biết.

Cũng giống như Nguyên, vượt qua cái chết, Nhật Tân lớn lên cùng nỗi đau thể xác và khuôn mặt bị biến dạng với những vết sẹo dài. Gia đình anh cũng không khá giả gì với người cha là thương binh, mẹ bị mắc bệnh thần kinh, phải gồng mình nuôi 6 đứa con thơ dại. Dù vậy, Tân vẫn rất ham học. Tốt nghiệp phổ thông anh thi đậu vào CĐ Kế toán. Nhưng bất hạnh cuộc đời vẫn chưa buông tha anh. Tân bị mắc bệnh thần kinh do di chứng từ người mẹ, với những cơn đau đầu triền miên và những cơn động kinh bất thường. Anh phải bỏ học về nhà chữa bệnh.

Trong những ngày chờ sức khỏe ổn định trở lại, anh tìm đến với hội họa và nhận ra hội họa chính là nơi để mình bày tỏ những tâm tư, thể hiện những điều mà anh không thể nói bằng lời. Anh quyết định theo học hội họa tại xưởng vẽ của một người chú ở Đà Lạt. Chính tại nơi đây anh đã gặp bà Đặng Ngọc Nga khi bà đến thăm xưởng vẽ. Sau những lần trò chuyện, hiểu được suy nghĩ và ý chí vươn lên của Hoàng Nhật Tân, bà Nga đã bày tỏ mong muốn mời Tân về ở mái ấm Hoàng Tử Bé.

Giữa năm 2005, chàng họa sĩ khuyết tật Hoàng Nhật Tân quyết định rời Đà Lạt về mái ấm Hoàng Tử Bé ở Vĩnh Cửu. Và ở đây, anh đã gặp và nên duyên cùng Bùi Thị Nguyên, cô gái có khuôn mặt "ai nhìn cũng phải e dè", nhưng có một tâm hồn và tấm lòng thật đẹp.

Chúng tôi chia tay Nguyên khi trời đã nhập nhoạng tối. Vừa ra đến cổng thì gặp Hoàng Nhật Tân từ TP.HCM chạy xe về tới. Không kịp nói chuyện gì với anh ngoài đôi ba câu thăm hỏi nhưng cũng cảm nhận ở anh sự điềm đạm, nhân hậu. Nhìn họ và hai cậu con trai quấn quýt bên nhau, chúng tôi lại tin cuộc đời này không thiếu những phép nhiệm màu. Và tình yêu, hạnh phúc sẽ đến với bất cứ ai biết vượt lên số phận, vượt lên những mặc cảm, tự ti của bản thân mình, dù số phận có nghiệt ngã đến thế nào đi nữa.

Sau đám cưới, được sự động viên, khích lệ của mẹ Nga và vợ, Hoàng Nhật Tân thi đậu vào ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Năm 2010, anh hoàn thành khóa học, chính thức trở thành một họa sĩ với tấm bằng cử nhân ĐH Mỹ thuật. Trở về Hoàng Tử Bé, hàng ngày anh miệt mài với phòng tranh của mình, hết vẽ tranh sơn dầu đến sáng tạo tranh đá quý. Chỉ có một điều khác trước là giờ đây trong những bức tranh của anh luôn lung linh màu hạnh phúc.

Tin mới cập nhật

Blogger Gadgets