.

Lời sám hối của tử tù thích 'buôn chuyện'


Trái với hình ảnh kẻ giết người rồi che giấu tinh vi, giờ đây, Phú đang dành những ngày cuối cùng để ân hận và sám hối về tội lỗi của mình.

Trong lá thư với nét chữ xô nghiêng, Hồ Xuân Phú (25 tuổi, ở thôn Ao La, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) viết: “Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều lắm. Con đã đánh mất tất cả và gây cho mẹ niềm đau. Con bất hiếu". Lời ân hận được viết ra 2 năm sau khi tử tù này gây tội ác với cô hàng xóm. Phú đang chờ thi hành hình phạt tử hình do giết người, cướp tài sản.
Gặp Phú tại trại tạm giam Công an Hải Phòng, vẻ mặt vui tươi niềm nở đến lạ lùng, hắn bảo được nói chuyện là điều hạnh phúc. Lâu lắm rồi, ngoài việc những lần được gặp mẹ, gã chỉ khóc, giờ được “cởi lòng” khiến Phú vui.
Giọng nhỏ nhẹ, Phú tâm sự từng là chủ cửa hàng sửa chữa xe máy, tiền kiếm đủ trang trải cho cuộc sống. “Chỉ vì sa vào những thứ không hay mà em nợ nần rồi hành động không suy nghĩ”, tử tù nói.
Một ngày cuối tháng 5/2010, người dân ở thôn Ao La phát hiện xác chị Hoàng Thị Phượng (21 tuổi) trong căn bếp của ngôi nhà hoang. Cô gái chết trong tư thế ngồi dựa vào tường, vùng đầu có nhiều vết thương. Hung thủ được xác định là Phú, hàng xóm của nạn nhân.
Phú khai sát hại chị Phương để cướp xe máy rồi đem cầm cố lấy 12 triệu đồng trang trải nợ nần. Hung thủ thừa nhận, ban đầu người hắn định hại là em trai của chị Phượng, với thủ đoạn gọi đến sửa máy bơm ở cửa hàng của mình. Nhưng do bận việc, anh này không đến và hẹn hôm sau. Rồi Phú gặp chị Phượng và chuyển "mục tiêu"... Với tội ác đã gây ra, Phú bị TAND Hải Phòng kết án tử hình.
Hơn hai năm chờ thi hành án, Phú bảo thời gian đầu hắn phát cuồng, luôn có ý nghĩ tiêu cực. Nhiều đêm hắn không ngủ được vì dằn vặt. Những cơn mộng mị đến thường xuyên. Có lần, buồng giam mất điện, hắn sợ bóng tối nằng nặc đòi được mắc đường điện riêng...
Một quản giáo cho biết, tâm lý của Phú giống như nhiều tử tù trong trại tạm giam Công an Hải Phòng. “Phải khơi gợi ý thức sống và sự tin tưởng cuộc sống còn phía trước đối với họ”, cán bộ này nêu bí quyết. Được một thời gian, tinh thần Phú đỡ căng thẳng. Hắn bảo “tận dụng từng ngày còn nhìn thấy ánh mặt trời dù chỉ là ánh sáng nhỏ xuyên qua khe cửa sắt”.
Trong khu biệt giam, tâm trạng Phú chợt trùng xuống khi nói về mẹ. Phú im lặng vài giây rồi thở dài nhận mình là con bất hiếu. Bố mất sớm, mẹ một mình nuôi 4 anh em Phú bằng nghề khai thác đá. Công việc nặng nhọc nhưng bà vẫn nai lưng làm vì các con. “Vậy mà khi lớn rồi em không giúp được mẹ, còn gây nhiều phiền muộn”, gã quệt nước mắt lăn trên má.
Phú bảo khi gặp mẹ, muốn nói nhiều lắm mà sao hắn chỉ khóc. Sau điều đêm thức trắng vì thương đấng sinh thành, Phú được cán bộ trại cho phép thỉnh thoảng viết thư về nhà. Trong hơn 50 lá thư, lần nào Phú cũng cật vấn lương tâm. Phú bảo không nhớ hết những lời yêu thương muộn mằn đã viết gửi tới mẹ.
Những lời ân hận lúc này của Phú trái hẳn với tội ác và thủ đoạn gian manh hắn gây ra cho nạn nhân. Theo một cán bộ điều tra, hôm phát hiện ra xác cô gái, Phú cũng góp mặt trong đám đông hiếu kỳ. Hắn còn phụ giúp gia đình Phượng làm đám tang, tỏ vẻ phẫn nộ với tội ác của hung thủ.
Khi bị công an nghi ngờ, Phú luôn đưa ra bằng chứng ngoại phạm. Mọi thứ liên quan đến nạn nhân, Phú đã đốt sạch, riêng chiếc sim điện thoại hắn lại phi tang dưới đám cỏ um tùm phía sau cửa hàng. Phú không ngờ chiếc sim bị vướng lại ở khe cửa sổ, cơ quan điều tra đã thu giữ được vật chứng duy nhất này.
Lúc bị triệu tập lên cơ quan điều tra, hắn thừa nhận liên quan đến vụ án nhưng đổ tội cho nam thanh niên 26 tuổi cùng thôn bị bệnh động kinh từ nhỏ. Phú còn "cao thủ" bảo: “Các chú đừng hỏi nhiều vì anh ấy bị động kinh, mọi tội lỗi cứ để cháu gánh chịu”. Và hành vi giết người cướp của của Phú bị vạch trần sau đó. Hắn không được xem xét giảm nhẹ hình phạt qua cả hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Tin mới cập nhật

Blogger Gadgets