Sau tiết mục “Gặp mẹ trong mơ” cộng đồng mạng đã xảy ra rất nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau.
Tiết mục của Nhật Tiến "gây bão" cộng đồng mạng
Đêm thi Hát ru của Đồ Rê Mí 2012 diễn ra Chủ nhật tuần qua đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Đặc biệt tiết mục “Gặp mẹ trong mơ” của Trần Nhật Tiến ngay lập tức trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao. Rất nhiều ý kiến đồng tình và cũng không ít ý kiến phản đối. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ Việt cũng bày tỏ quan điểm của mình về tiết mục này.
Nhật Tiến nức nở trên sân khấu Đồ Rê Mí 2012
Ca sĩ Mỹ Linh là một trong những người đầu tiên bình luận về chủ đề này. Theo chị: “Lần đầu tiên xem Đồ Rê Mí. Tội nghiệp các bé quá. Mong sao các con sẽ không trở thành các thảm họa nhạc Việt tương lai. Thẩm mỹ âm nhạc và trang phục, bài trí, màu sắc sân khấu… Chết các con tôi rồi… Chưa kể bé tí đã ganh đua thế này…”
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý - Khoa học giáo dục Hà Nội trong một bài phỏng vấn cũng chia sẻ những lo lắng: “Đồ rê mí là chương trình lớn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đối với lứa tuổi thiếu nhi, việc dàn dựng công phu nhiều lúc gây nên sự nặng nề. Tôi thấy trong nhiều chương trình, trẻ em phải hát những bài hát quá khó, ăn mặc lòe loẹt, trang điểm cầu kì khiến các em trông già hơn so với tuổi. Theo khoa học, những thứ bị chín ép hoặc phát triển sớm quá đều chóng lụi tàn. Hơn nữa nó bị biến đổi, biến dạng. Trẻ con bây giờ dễ thành gà công nghiệp vì phải chịu tác động của những sự giáo dục cứng nhắc, lý thuyết. Đối với việc phát triển của trẻ, chúng ta cần có sự thăm dò chứ không thể làm một cách ào ào được. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại hoàn toàn ngược lại cho nên cần có những bài học cảnh báo dành cho phụ huynh.”
Cũng chung dòng quan điểm náy, khán giả có nickname Loantse trên một diễn đàn nổi tiếng chia sẻ: “Mình ít xem chương trình ĐRM này, hôm qua bật thấy có bé nào hát trước rồi đến bé Nhật Tiến, nhưng thật sự là nghe đến lúc bé vừa hát vừa khóc mình tò mò xem bé này mẹ không mà hát về mẹ khóc kinh vậy. Vì nguyên bản là Uudam bị mất cả bố và mẹ nên em hát bằng cả cảm xúc, bằng cả niềm khát khao gặp mong có mẹ, nhưng cũng phải chú ý là Uudam không hề khóc khi hát, em hát bằng tình cảm và trái tim. Và thật bất ngờ khi bé Nhật Tiến còn đầy đủ cả mẹ, mình không khắt khe hay là ném đá nhưng 1 đứa trẻ tình cảm yêu quý mẹ cứ hát về mẹ là khóc hay sao??? Khi mà em vẫn có mẹ bên cạnh hằng ngày, vẫn chăm sóc cho em, không đến nỗi hát tặng mẹ, hát về mẹ lại cứ phải nức nở huhu giữa sân khấu cuộc thi vậy à?? Nếu đây chỉ là hát ở nhà hay văn nghệ trường liệu có khóc nức nở ngon lành thế ko??? Thật khó hiểu và làm cho mình 1 cái cảm giác khó tả về cái cách chương trình làm, vô hình chung làm mình thấy không thích Nhật Tiến, thấy màn biểu diễn giả tạo và diễn quá đà.”
Ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ quan điểm về tiết mục này
Đặc biệt, khi video này được chia sẻ trên một cộng đồng video lớn, làn sóng các bình luận thực sự gay gắt.
Độc giả Quân Vũ Hồng phân tích: “Khóc chẳng phải nhập tâm đâu. Chẳng qua là do sợ sân khấu thì khóc thôi. Đứng trước bao nhiêu người để hát, thì đứa trẻ nào nhìn thấy mẹ chả không tủi thân mà khóc”.
Trong khi đó, một luồng quan điểm khác lại tỏ ra rất ủng hộ đối với Nhật Tiến, đặc biệt là các nghệ sĩ Việt.
"Ngay cả khán giả xem cũng không ít người cảm động và khóc. Thế gọi là diễn sao? Mỗi người đều có những cách biểu lộ cảm xúc khác nhau. Có người dễ khóc, có người thấy không có gì đáng khóc. Và dù sao thì cũng nên tôn trọng cảm xúc của người khác. Cho dù là diễn, nếu diễn để lấy được nước mắt khán giả thì cũng là thiên tài" – độc giả có nickname OnlineTravelvn nhận định.
Nhật Tiến vẫn nức nở ngay cả khi xuống hàng ghế giám khảo
Trong khi đó, độc giả Thuy Diep Tien Sinh lại đứng ra phân tích trên góc độ rất công tâm: “Đã gọi là biểu diễn thì phải "diễn". Diễn để cảm xúc gần với tâm trạng người nghe. Nhật Tiến đã diễn rất tốt rất nhập tâm và lấy đi khôg ít nước mắt của người nghe. Nhưg cảm xúc chân thật đến từ trái tim, từ trải nghiệm. Xem Udam biểu diễn không 1 giọt nước mắt nhưng giọng hát mang nỗi buồn quẩn quanh tận sâu thẳm tâm hồnkhiến cho người nghe khôgn tự chủ được mà cuốn hút theo lời hát để rồi nước mắt rơi lúc nào không hay. Thế nên ai nghe Udam hát roài đều thấy Nhật Tiến có đôi chút giả tạo cũng phải thôi”.
Những chia sẻ về giọng ca của Nhật Tiến đã nhận được sự đồng tình của nhiều nghệ sỹ như Văn Mai Hương, Ngọc Khuê, Thanh Duy, Thảo Trang…
Ca sỹ Thảo Trang thú nhận: “Tối qua em coi mà khóc nghẹn luôn ấy. Cậu ấy giỏi hơn bao nhiêu ca sĩ người lớn. Thương không chịu được!”.
Ca sỹ Khánh Linh - Cô giáo của Nhật Tiến trong vòng 2 của Đồ Rê Mí cũng “làm chứng”: “Tiến hát cảm xúc thật đấy! Mình đã dạy bé 1 vòng thi mà!”
Nói về những tranh cãi quanh tiết mục hát ru của thí sinh Nhật Tiến, giám khảo Châu Anh (giảng viên Học viện âm nhạc Quốc gia) cho biết: “Tôi là nhân chứng sống trong khoảnh khắc thăng hoa ấy của Nhật Tiến. Không có một sự sắp đặt nào từ trước, kể cả trước lúc ra sân khấu, Nhật Tiến cũng không có ý định khóc. Nhưng lúc âm nhạc cất lên, dường như Nhật Tiến khác hẳn. Em nhập tâm vào bài hát. Lúc đó, như em chia sẻ, em nhớ đến những lúc bị ốm, phải vào bệnh viện cấp cứu. Chứng kiến sự lo lắng của mẹ, cậu bé đã hối hận về những giây phút mình mải chơi, không chịu học bài hay không vâng lời khiến mẹ phiền lòng. Tình mẹ luôn là thứ cảm xúc tồn tại trong sâu thẳm con người. Nó không thể giả dối và không thể làm người khác rung động nếu giả dối.”
Khi được xướng tên đi tiếp em cũng òa khóc
Trấn Thành, một trong ba giám khảo của Đồ Rê Mí cũng không giấu được “bức xúc” khi được phỏng vấn về hiện tượng Nhật Tiến: “Nhân đây tôi cũng xin khẩn thiết kêu gọi mọi người, hãy coi chương trình chứ đừng soi chương trình. Bởi vì sao, bởi vì cái hay trong nghệ thuật cần được nhân rộng, cần được tiếp nối. Bài hát kia không viết để dành riêng cho em bé Mông Cổ. Nó được viết ra để tất cả mọi người cùng hát, và không phải em bé nào mồ côi mới có lí do để thể hiện ca khúc ấy. Nếu như Nhật Tiến không biểu diễn thành công thì người ta có xem xét kĩ càng như thế về tiết mục của em ấy. Cover hay không không quan trọng. Điều quan trọng, Nhật Tiến đã chạm được đến trái tim của khán giả bằng chính cảm xúc chân thành của mình.”
Thiết nghĩ, dù có chuyện dàn dựng hay không dàn dựng nhưng với Đồ Rê Mí, các thí sinh đều quá nhỏ tuổi để có thể nghe hay bị ép theo những sự sắp đặt nào đó. Vô hình chung, những chỉ trích hay nhận xét gay gắt của người lớn lại trở thành “con dao hai lưỡi” đối với các thí sinh. Ít nhất, hãy để các em được hồn nhiên đúng lứa tuổi của mình. Và “Dù có diễn đi nữa mà lấy nước mắt được nhiều người thì cũng là thiên tài rồi!”như lời ca sĩ Thảo Trang.