.

Vì sao "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" bị đổi tên?



Trang Hạ, dịch giả của cuốn sách cho biết phía Trung Quốc vốn kiểm soát chặt chẽ những đầu sách ngôn tình của họ chứ không “như ta tưởng”.

Dịch giả dùng "Google Translate"

Chị cho rằng việc lan tràn truyện ngôn tình, lỗi không phải từ phía độc giả. Vậy quan điểm của chị về trách nhiệm của NXB như thế nào?

-Cá nhân tôi không thể vạch ra một giới hạn, trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp xuất bản. Quy chế hoạt động của họ đã được ghi rõ và được công nhận, còn việc họ làm như thế nào thì phụ thuộc vào nghiệp vụ của họ. Tôi không phải nhà quản lý hay học giả để có thể giải đáp câu hỏi này.


Dịch giả Trang Hạ

Bản thân chị chọn sách để dịch theo tiêu chí nào?

Tôi làm việc theo từ khóa. Từ năm 20032008, từ khóa của tôi là "cảm động". Từ năm 2008 đến 2013 là "phụ nữ". Từ 2013 trở đi là “người già”. Mọi công việc của tôi đều xoay quanh từ khóa đó.

Tôi ưu tiên chọn sách từ những tác giả chưa có ai dịch. Các tác giả đã nổi tiếng thường có nhiều nhà sách, dịch giả khai thác, tôi không thích cạnh tranh với ai cả, cũng không thích bị so sánh. Vì thế, tôi muốn tạo ra thị trường và độc giả riêng.

Tôi phải đọc những bài phê bình văn học trước, từ những tạp chí như Văn tín, Văn học Trung Quốc, Thanh niên văn học ..., vào những bảng xếp hạng sách. Thêm nữa, bên cạnh từ khóa chính là "cảm động", thì đi kèm còn phải là "tiểu thuyết", có cống hiến, được độc giả bình chọn... Chúng đưa tôi đi khá là đúng đường.

Sau đó tôi mời một độc giả Trung Quốc, Đài Loan hoặc một Hoa kiều.. nói cho mình biết cuốn sách mang lại cho họ cảm nhận gì. Dù sao tiếng Trung cũng không phải tiếng mẹ đẻ của tôi, tôi có thể triển khai tiếng Việt tốt, nhưng cảm nhận về sắc thái của ngôn từ sẽ không bằng họ. Tôi rất xem trọng sắc thái của bản gốc và cố gắng truyền tải chúng sang tiếng Việt.

Việc cẩu thả trong chọn sách, dịch sách ngôn tình của các nhà sách VN ảnh hưởng đến thị trường như thế nào?
- Có nhiều nhà sách Việt Nam chọn sách bằng cách nhờ đầu nậu. Mọi người nói nhà sách Việt Nam in tràn lan sách ngôn tình, nhưng thực ra họ chỉ thông qua một vài môi giới sách tiếng Hoa. Một môi giới có thể cung cấp sách cho nhiều công ty khác nhau.

Những người này gọi là môi giới bản quyền. Họ hoạt động rất lặng lẽ, chỉ có một số khách hàng ruột bên Trung Quốc, khoảng từ 5 đến 7 NXB. Và họ chỉ giới thiệu sách của 57 NXB đấy, chứ không bao quát được cả thị trường. Họ càng không quan tâm tới phê bình văn học của tác phẩm. Họ chỉ quan tâm đến việc bán được bao nhiêu sách ở Việt Nam. Họ thu 100500 đô la phí môi giới trên một đầu sách.



Sách đam mỹ, hủ nữ đã bắt đầu xuất hiện.

Công ty sách Việt Nam không được cung cấp một nguồn sách đáng tin cậy. Thêm nữa, có những công ty sách xuất bản sách tiếng Trung mà dịch giả không hề biết một chữ tiếng Trung nào. Họ dịch bằng Google Translate. Khi nghe được điều này, tôi không thể tin nổi. Một lần tình cờ, tôi đến công ty sách và gặp người tổ chức bản thảo của họ, họ xác nhận điều đó là đúng, có sự việc như vậy xảy ra. Và không phải là một cuốn, mà đã sang tập hai rồi.

Văn học mạng và câu chuyện chính thống

Những cuốn sách như vậy, hoặc những cuốn dòng đam mỹ, hủ nữ vẫn ra được thị trường vì nhà sách, NXB cũng không đắn đo nhiều về tác động xã hội của sách mình làm. Vì nói cho cùng, doanh nhân ngành sách mang bản chất doanh nhân chứ khó yêu cầu họ phải có trách nhiệm thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Hủ nữ là một từ rất tệ đối với giới trẻ và độc giả Trung Quốc (chữ "hủ" bắt nguồn từ "hủ bại"), nhưng khi sang Việt Nam không ai có cảm giác gì về từ này. Trong một định nghĩa hẹp, nguyên gốc, nó chỉ những cô gái thuộc lớp người trẻ, có thói quen cá biệt sinh ra từ internet. Họ đóng mình trong nhà, không thích mặc áo ngực, suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính, thích những truyện khiêu dâm con trai quan hệ với nhau, giới trẻ quen gọi là “truyện có H”. Có thể người Việt đang không hiểu "hủ nữ" theo nghĩa này.

Tôi có hỏi chuyện một số độc giả trẻ thích đam mỹ, hủ nữ. Các em nói thích đọc thể loại này vì nó cho thấy một "tình yêu không biên giới". Ngoài ra tình yêu con trai cũng có vẻ "khí khái" hơn, không mè nheo, nước mắt như nam với nữ?

- Nếu ngụy biện như vậy được chấp nhận, thì vô số người viết truyện khiêu dâm trên mạng đã đứng lên đòi phong danh hiệu “khai sinh văn học mạng” cho họ rồi. Vì về hình thức thì đúng là hơn mười năm trước, truyện khiêu dâm đã khai sinh ra văn học mạng. Thế nhưng, ai coi đó là tác phẩm văn học đích thực?

Những bài viết do các thành viên tải lên có đầy đủ tình tiết, câu chuyện... nhưng cũng chứa đựng những yếu tố sex nghiêm trọng. Bạn có tính nó vào các tác phẩm văn học không? Có lẽ là không. Và nếu những truyện đó được dịch sang tiếng nước ngoài, thì e rằng họ sẽ hiểu méo mó về văn học tiếng Việt.

Hãy để những thứ ngoài luồng (underground – phi chủ lưu) nằm ngoài luồng. Tôn trọng sự khác biệt và các giá trị quan khác biệt, nhưng không có nghĩa là đánh đồng tất cả đều là… văn học.


Bìa sách "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" ở Việt Nam

Trung Quốc kiểm soát xuất bản đam mỹ, ngôn tình


Như vậy lại quay lại câu hỏi "thế nào là một tác phẩm văn học"?


- Tôi cho rằng khi internet ra đời, thì "chất liệu đọc" đã thay đổi. Tôi bắt đầu dùng cụm từ này từ năm 2008. Blog là một dạng chất liệu đọc, nhưng chưa tới được giá trị của văn chương. Nếu không mang lại diễn cảm, chânthiệnmỹ, không làm cho đời sống tốt đẹp lên, thì không phải là văn học. Nó không tồn tại được với thời gian thì cũng chỉ là một "chất liệu đọc" tạm thời, và nó ngang bằng với những tin tức nhất thời hay những thứ giải trí vô bổ tốn thời gian.

Những người đọc ngôn tình hiện nay thường đọc hoặc sử dụng những phần mềm convert trên mạng. Nó đáp ứng nhu cầu của họ. Nhưng khi chúng được mang ra xuất bản thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng. Có rất nhiều nhà sách hiện nay cử biên tập viên theo dõi các nhóm dịch tự phát ở trên mạng, xem các em dịch cuốn nào hay, thu hút thì đi mua bản quyền.

Nhu cầu thì luôn luôn có, kể cả nhu cầu truyện sex hay những nhu cầu khác thường, lệch lạc; Nhưng khi đưa chúng vào lưu thông trong một thị trường văn hóa đọc đại chúng, chính thống, thì chúng ta phải cân nhắc về giá trị.

Ở Trung Quốc, truyện đam mỹ hầu như không được cấp phép xuất bản, trừ những nhà xuất bản nhỏ ở địa phương in lén lút. Một ví dụ khác là "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" cũng không được phát hành tại Trung Quốc với cái tên mà NXB của Việt Nam cấp phép! Nếu muốn xuất bản ở Trung Quốc thì phải đổi tên khác, và tác giả đã đổi tên thành "Em nấu tình yêu thành món canh". Như vậy có thể thấy có rất nhiều vấn đề trong xuất bản! Không phải cứ sách Trung Quốc sang Việt Nam là đảm bảo, nhà sách chỉ cần minh họa bìa xanh đỏ và tìm một cái tên thật hoa mỹ là ra sách.



Bìa sách "Em nấu tình yêu thành món canh" tại Trung Quốc


Chị thấy gì từ hiện tượng các em nhỏ tự dịch, tự viết theo truyện ngôn tình và gửi lên các trang mạng cho nhau đọc?


- Tôi cho rằng khi các bạn viết theo như thế, chỉ chứng tỏ ngôn tình là một thứ văn dễ bắt chước, là thứ đọc và viết bình dân hóa, dễ dãi.

Bản thân internet là một kênh thông tin mì ăn liền, nó sản sinh ra một thế hệ tiêu thụ văn hóa mì ăn liền. Đây là câu chuyện thời thế, bởi xã hội có nhu cầu phát triển thông tin! Nhưng mỗi người có biến mình thành một cỗ máy tiêu thụ văn hóa mì ăn liền hay không là tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ.

Chỉ có thể nói rằng khâu quản lý văn hóa của mình còn rất nhiều vấn đề, không thấy vị trí của nhà phê bình văn học ở đâu, không thấy các phóng viên văn hóa trong vai trò cầm trịch cho văn hóa đọc. Phóng viên văn hóa giờ chỉ làm showbiz, còn làm văn hóa thực sự thì chắc chỉ còn vài người viết có uy tín và tâm huyết với nghề. Bài giới thiệu sách nào cũng khen tới tấp. Khó có thể đổ hết lỗi cho giới trẻ hay những người coi sách là một món hàng mang lại lợi nhuận cho họ. Tôi cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Hội nhà văn ở đây, và cục quản lý xuất bản.

Chỉ những bài phê bình, những bài báo lên tiếng chưa chắc đã thay đổi được tình hình. Nếu như những người quản lý quan tâm, thì họ không thiếu những công cụ để quản lý thị trường văn hóa đọc, chưa kể còn có lực lượng an ninh văn hóa nữa.

"Đọc có tự trọng" hay để mất mát vô hình?

Sau ngôn tình, việc các em bị ảnh hưởng và sử dụng nhiều từ Hán trong đọc, trong viết có phải là một vấn đề cần quan tâm?

- Với những dịch giả nghiệp dư, thích dịch thích đọc những chất liệu như vậy, mình không thể cấm các bạn, vậy thì hãy hỗ trợ các bạn ấy bằng những trang cung cấp quan điểm dịch thuật và kinh nghiệm xử lý tác phẩm chính thống, những đợt thông tin giúp hiểu về giá trị đích thực của văn chương, vẻ đẹp của tiếng Việt, hoặc ít nhất là tự trọng trước mỗi con chữ, cho dù là chữ viết ra hay dịch lại. Có điều là ai đứng lên? Có khi bây giờ lại phải phát động phong trào "Đọc có tự trọng", giống như "Nghe có ý thức" ấy nhỉ!?

Kết quả của sự lộn xộn của một thị trường văn hóa mì ăn liền, thì ai là người được lợi?

- Người được lợi đầu tiên là môi giới bản quyền. Mỗi cuốn sách về Việt Nam họ được ngay 100$ từ khi chưa in. Người được lợi thứ hai chắc chắn là các công ty bán sách rồi, bởi chạy theo thị hiếu của độc giả thì họ sẽ có lợi nhuận.

Và ai là người sẽ mất nhiều?


- Chắc là sự mất mát vô hình quá! Có mấy ai đọc ngôn tình đam mỹ lại nghĩ rằng, những thứ mình đọc chính là những thứ tạo nên bản lĩnh văn hóa của bản thân mình trong xã hội? Nên sau này mỗi người sẽ tự nhận ra bài học của mình thôi.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Tin mới cập nhật

Blogger Gadgets